Henry Winkler đã từng nói rằng “Việc tự mặc định chính là con sâu của những mối quan hệ”. Chúng ta thường mặc định về mọi người dựa trên ngoại hình, cách họ nói chuyện, nơi họ xuất thân, trình độ học vấn... Việc tự mặc định như thế sẽ làm lu mờ khả năng nhận xét của bạn. Và điều này hoàn toàn không tốt cho việc xây dựng mối quan hệ tích cực trong công việc.
Việc tự mặc định tác hại thế nào?
Có bao giờ bạn trải qua việc tưởng tượng cách người ấy sẽ hành xử, nhưng rồi họ lại hành động hoàn toàn trái ngược suy nghĩ của bạn? Chẳng hạn như một người trông thật dữ dằn, tay chân có hình xăm nhưng anh ấy thật ra là một người sửa xe đạp từ thiện?
Việc tự mặc định gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ. Khi có những suy nghĩ sai lệch về sự việc hay con người nghĩa là chúng ta đang vô tình đánh giá chỉ dựa trên bề ngoài.
Trước khi cho phép bộ não tự suy diễn, hãy dừng lại và đặt câu hỏi:
- Mình đã có đủ cơ sở để nói như thế hay là chỉ đang tự suy diễn vấn đề?
- Mình chỉ cố chứng minh những mặc định này là đúng, hay mình nên phát triển mối quan hệ với người này bằng cách đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như bạn không tự mặc định?
Nếu như bạn không đặt câu hỏi để kiểm chứng suy nghĩ của riêng bạn, bạn đã để suy nghĩ và mặc định thống trị đầu óc. Nói cách khác, bạn đang cố tin vào những lời nói dối mà bạn tự bảo bản thân.
Có thể hiện tại những suy nghĩ sai lệch này không liên quan đến thực tế, nhưng việc tự mặc định con người, tình huống đúng theo suy nghĩ phiến diện của riêng bản thân (thường dựa vào nỗi lo sợ cá nhân hoặc trải nghiệm không tốt đẹp trong quá khứ), phản ứng cảm xúc của bạn sẽ bắt nguồn từ những suy nghĩ này.
Migue Ruiz – tác giả quyển sách “Bốn thỏa ước: Hướng dẫn thực tế để đạt đến tự do cá nhân” đã nói như sau: “Nếu người khác nói điều gì đó, chúng ta sẽ tự hình thành suy nghĩ mặc định, và nếu họ không nói gì cả, chúng ta vẫn hình thành suy nghĩ mặc định, chỉ để thỏa lấp nhu cầu tìm hiểu và thay thế nhu cầu giao tiếp. Ngay cả nếu chúng ta nghe mà không hiểu, chúng ta cũng tự suy giải và tin vào suy nghĩ ấy. Chúng ta tự mặc định, đơn giản vì chúng ta không đủ can đảm để đặt câu hỏi”.
Làm thế nào để không tự mặc định?
- Đầu tiên, hãy luôn hoài nghi. Đừng tin vào điều gì bạn chỉ nghe hay thấy (đặc biệt nếu điều này chỉ diễn ra trong đầu) trừ khi bạn có bằng chứng hay cơ sở rõ ràng. Chúng ta rất dễ tự hướng tới những điều chúng ta “muốn” nghe, và điều này vô cùng nguy hiểm.
- Phát triển ý thức bản thân và tự nhận ra những thời điểm mà bạn đang tự mặc định vấn đề. Nếu như bạn không nhận ra, khả năng cao là bạn đang tự mặc định rồi đấy.
- Hãy cẩn thận trong việc nhìn nhận tình huống và tự nghĩ ra tình huống trong đầu. Ngay cả nếu như bạn có kiến thức, bạn cũng chưa chắc đã nắm đủ thông tin và toàn bộ câu chuyện. Xác nhận lại, tìm hiểu và nói chuyện với người khác là một cách hay.
- Vì bạn không có năng lực siêu nhiên đọc suy nghĩ người khác, hãy luôn cởi mở và cố gắng tìm hiểu đối phương. Bạn sẽ không bao giờ thật sự hiểu một người và suy nghĩ của họ, trừ khi bạn và họ có một cuộc trò chuyện sâu sắc.
- Đặt câu hỏi, thật nhiều câu hỏi sẽ giúp bạn có nhiều thông tin hơn.
Theo HRInsider