Việt Nam đang đứng trước một thách thức trên con đường hướng tới sự thịnh vượng, đó chính là khả năng cạnh tranh của công nghệ in 3D. Theo World Bank, bất cứ một quốc gia nào có thể làm chủ được công nghệ in 3D sẽ có thể bứt phá trên con đường phát triển công nghệ - kỹ thuật. Vậy, tại sao công nghệ này lại quan trọng đến vậy?
Lịch sử hình thành máy in 3D:
Đây là một công nghệ đã được nghiên cứu từ cách đây 15 năm và được xem là “cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp lần thứ tư” của thế giới. Nhà sản xuất xe hơi ở Mỹ - Local Motor đã từng có phát biểu gây sốc khi nói rằng sẽ thay đổi cục diện ngành sản xuất xe hơi bằng việc sẽ tạo ra những chiếc xe hơi bằng cách sử dụng máy in 3D khổng lồ.
Công nghệ này có thể thay đổi cơ bản công cụ sản xuất hiện nay của con người, ngoài ra còn giúp giảm thời gian và chi phí sản xuất. Với công nghệ in 3D, những ý tưởng “kỳ dị” của nhiều người sẽ dễ dàng trở thành sự thật. Hiện nay, người ta đã có thể sản xuất ra những chi tiết trong mô hình cơ thể người, chi tiết của máy bay…bằng công nghệ in 3D.
Những ứng dụng của máy in 3D trong thực tiễn:
Hai tháng trước, hãng Raytheon của Mỹ đã cho ra mắt những thiết bị quân sự được sản xuất bằng máy in 3D. Những chi tiết vô cùng phức tạp như: động cơ, cánh lái, vỏ ngoài cũng như các hệ thống điều khiển tên lửa đều có thể được sản xuất ra nhờ công nghệ này. Gần đây nhất, hãng Airbus cũng cho ra mắt chiếc máy bay không người lái được sản xuất bằng công nghệ in 3D.
Người được xem là “cha đẻ” của công nghệ này chính là ông Charles Hull – sinh năm 1939. Ông đã giới thiệu công nghệ in 3D tới mọi người vào năm 1986, dựa trên một kỹ thuật có tên là Stereolithography (SLA). In 3D được hiểu đơn giản là việc chiếc máy in sẽ in nhiều lớp hình chồng lên nhau, giống như việc chụp cắt lớp trong y học.
Với công nghệ này, gần như việc ứng dụng là không giới hạn. Thậm chí, Dubai còn dự tính đến năm 2030, 25% tòa nhà tại đây sẽ được tạo nên từ…máy in 3D. Hiện nay, thị trường in 3D trị giá 5,2 tỉ USD, và được dự báo sẽ tăng lên thành 16,2 tỉ USD trong năm 2018 cùng với đó là mang lại 550 tỉ USD cho nền kinh tế cả thế giới vào năm 2025.
Ở Trung Quốc, một hãng sản xuất công nghệ LITE-ON đã sử dụng hàng loạt hệ thống máy in 3D trong một nhà máy Quảng Châu, nhiệm vụ chính của những chiếc máy in 3D này là…sản xuất điện thoại di động thông minh và thiết bị điện tử tiêu dùng. Trước hết, LITE-ON sẽ sử dụng máy in 3D để in bo mạch và những robot sẽ tự động lắp ráp chúng lại.
Những ứng dụng của máy in 3D tại Việt Nam:
Ở Việt Nam, công nghệ in 3D cũng đang dần đi vào thực tiễn nhiều hơn, gần đây nhất là việc sử dụng công nghệ này trong ca phẫu thuật “vá” đầu ở bệnh viện Chợ Rẫy – TP.HCM. Bệnh nhân bị chấn thương sọ não với một lỗ thủng ở hộp sọ rộng tới 140 mm. Các bác sĩ đã sử dụng máy in 3D để tạo ra miếng vá hộp sọ bằng methyl methacrylate, bệnh nhân này hiện đã bình phục sau vài tháng điều trị.
Bạn cũng có thể ghé thăm cửa hàng Phong Vũ để tham quan chiếc máy in 3D đơn giản có khả năng in những món đồ chơi xinh xắn. Dòng máy in 3D Multi Jet Fusion của hãng HP hiện đang được bán trên thế giới với giá 150.000 USD. Bên cạnh đó, những chiếc máy in 3D thuộc dòng máy in dùng trong thiết kế trang sức có giá giao động khoảng 100 triệu VND. Hãng Autodesk cũng đưa tới người dùng một phần mềm mã nguồn mở Spark được dành riêng cho công nghệ in 3D.
Trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Dũng Duy – hiện đang là giám đốc dòng Sản phẩm máy in DesignJet HP tại Việt Nam chia sẻ: Khả năng ứng dụng của máy in 3D vô cùng lớn. Công nghệ này sẽ giúp thay đổi, cũng như hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Nguồn tham khảo: Nhipcaudautu