Đôi khi, chính những sai lầm tưởng chừng đơn giản dưới đây khiến nhà tuyển dụng vụt mất nhân tài. 3 sai lầm của nhà tuyển dụng khiến ứng viên từ chối lời mời làm việc.
Sau một thời gian tìm kiếm ứng viên, cuối cùng bạn đã tìm ra người phù hợp và quyết định gửi lời mời làm việc đến cho anh ấy/cô ấy. Bạn rất chắc chắn rằng sẽ nhận được lời đồng ý nhanh chóng từ ứng viên vì cả hai bên đều đáp ứng mong muốn của nhau. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Có những lý do khiến ứng viên từ chối hoặc cân nhắc lựa chọn lời mời làm việc từ công ty khác đơn giản vì những sai lầm dưới dây của bạn.
1. Trì hoãn gửi lời mời làm việc
Hãy thử hình dung ứng viên sẽ cảm thấy như thế nào nếu nhận được lời mời làm việc sau 3 tuần kể từ vòng phỏng vấn thứ 5? Quy trình phỏng vấn kéo dài là một trong những lý do khiến ứng viên ngán ngẩm và làm giảm hứng thú với công việc. Nếu đã chọn được ứng viên xuất sắc nhất sau vòng phỏng vấn cuối cùng, đừng trì hoãn đến một tuần sau mới gửi thư mời làm việc.
Chẳng ai muốn cảm giác là người thay thế, vì vậy đừng tạo cảm giác với ứng viên rằng bạn chọn họ chỉ vì bạn không thể tuyển được người tốt nhất. Mặt khác, nếu nhận được lời mời làm việc nhanh chóng, ứng viên sẽ có cảm giác được “săn đón” và khả năng rất cao là họ sẽ nhận lời.
2. Đề nghị mức lương thấp (mặc dù ngân sách cho phép cao hơn)
Ai cũng mong muốn được nhận mức lương xứng đáng với khả năng của mình. Đó cũng có thể là lý do thật sự khiến họ tìm kiếm cơ hội mới. Vì vậy, chính sách giới hạn mức lương dựa trên mức lương gần nhất của ứng viên đã lỗi thời và không còn được áp dụng.
Nhiều nhà tuyển dụng có xu hướng “bóp chặt” mức lương đề nghị với ứng viên để tiết kiệm chi phí cho công ty. Hãy cẩn thận vì chi phí (chưa tính công sức và thời gian) để tìm kiếm ứng viên khác có thể cao hơn.
Ngoài ra, ngay cả khi bạn đề nghị mức lương xứng đáng với kinh nghiệm và năng lực của ứng viên, hãy sẵn sàng cho phép nếu ứng viên muốn thương lượng lại (nếu ứng viên thực sự tài năng). Một vài ngàn đô la có thể lớn đối với một cá nhân nhưng chẳng là mấy với một công ty lớn.
3. Yêu cầu ứng viên trả lời trong thời gian hạn hẹp
Tất nhiên nhà tuyển dụng nào cũng muốn ứng viên nhận lời làm việc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cân nhắc lời mời làm việc không phải là việc có thể quyết định một sớm một chiều. Đừng mang cảm giác “bị ép buộc” cho ứng viên khi phải phản hồi trong vòng X ngày làm việc.
Hãy cho họ khoảng thời gian rộng rãi và linh hoạt để quyết định. Chắc chắn bạn muốn họ có một quyết định thật sáng suốt sau khi cân nhắc tất cả mọi thứ thay vì vội vã nhận lời rồi hối tiếc.
-Nguồn: VietnamWorks -