Nhảy việc để vươn lên hay thất bại?

Nhiều người có suy nghĩ rằng nhảy việc để có cơ hội phát triển mới, thay đổi môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc ở nhiều góc độ là nhảy việc sẽ tạo nên sự tiến bộ hay “xuống dốc”? 

1. Thực trạng nhảy việc hiện nay

Theo một cuộc khảo sát nhân lực của Anphabe vào tháng 12.2021, tỷ lệ tìm kiếm công việc mới tại Việt Nam lên đến 58%. Sau quý I năm 2022, số lượng tìm kiếm công việc mới cao nhất trong ba năm trở lại đây.

Một khảo sát thực tế với 1.001 giám đốc điều hành, những người lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất ở Châu Âu và Mỹ cho thấy trung bình các CEO làm việc cho 3 doanh nghiệp trong suốt sự nghiệp của họ. Và mặc dù việc trung thành cả đời cho một cơ quan đang ngày càng hiếm, nhưng ¼ trong số đó đã dành cả sự nghiệp cho một công ty duy nhất. Nhìn chung, người càng gắn bó với một công ty nhiều năm thì càng có cơ hội vươn lên dẫn đầu.  

Theo LinkedIn chia sẻ, thông điệp “Open to Work” trên profile cá nhân đã tăng chóng mặt trong năm nay. Người trẻ hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu cho doanh nghiệp và nhà tuyển dụng hơn, nếu không được đáp ứng họ sẽ có ý định chuyển sang đơn vị khác.

2. Vì sao giới trẻ ngày nay lại liên tục nhảy việc?

Thời kỳ 4.0 càng phát triển thì mọi nhu cầu con người cũng tăng cao, họ luôn muốn thay đổi, tìm kiếm những đổi mới về mặt cảm xúc và tinh thần. Thực trạng nhảy việc của thế hệ trẻ ngày nay chính là minh chứng cho điều đó. Do vậy, có rất nhiều nhân tố hình thành nên hành động thay đổi công việc liên tục ngày nay. 

Làm việc trong trạng thái “kiệt sức”

Nguyên nhân của điều này chính là khối lượng công việc quá nhiều, áp lực nặng nề nhưng bù lại không tương xứng với mức lương và vị trí. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của họ, khiến họ luôn làm việc trong trạng thái thiếu năng lượng và sự nhiệt huyết trong công việc.

Ngoài ra, giới trẻ GenZ ngày nay luôn chiếm tỷ lệ nhảy việc phần trăm cao nhất. Mặc dù, thế hệ này được đánh giá là tập hợp những người trẻ năng động, sáng tạo nhưng điểm yếu của GenZ trong công việc là luôn “cả thèm chóng chán”, thiên về mặt cảm xúc, tinh thần quá nhiều nên thường thấy thế hệ này hay rơi vào tình trạng "burn out" (tình trạng kiệt sức về cảm xúc, thể chất, tinh thần do căng thẳng quá mức và kéo dài).